Viêm khớp vảy nến là một bệnh viêm khớp tự miễn nằm trong nhóm bệnh viêm cột sống huyết thanh âm tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, từ hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa đến các khớp lớn ở chi dưới, các khớp ngón tay, ngón chân và cột sống. Nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn phế.
Theo các nghiên cứu có khoảng 0,3 – 1% dân số mắc bệnh, tần suất mắc mới khoảng 3,4 – 8 trường hợp trên 100.000 dân. Ngoài ra, khoảng 6-42% bệnh này là do biến chứng của bệnh viêm khớp vảy nến. Viêm khớp vảy nến có thể phát triển từ 10 đến 12 năm sau tổn thương da đầu tiên, hoặc có thể xảy ra cùng lúc.
Tìm hiểu bệnh viêm khớp vảy nến là gì?
Vảy nến là tình trạng trên da xuất hiện các mảng dày, màu đỏ, trắng hoặc màu bạc và ngứa. Khi bị vảy nến, người bệnh có khả năng bị viêm khớp vảy nến. Tình trạng viêm da này nguyên nhân là do hệ miễn dịch có vấn đề. Hệ miễn dịch có thể tấn công các khớp gây sưng nề và cứng. Nếu được chẩn đoán sớm có khả năng giảm được thương tổn.
>>> Tham khảo thêm chuyên mục Bệnh & Thông tin bệnh tại đây.
Phân loại viêm khớp vảy nến
Dựa theo vị trí khớp bị viêm và tổn thương, viêm khớp vảy nến được chia thành 5 thể (2), gồm:
Viêm khớp đối xứng
Thống kê cho thấy khoảng 50% trường hợp bệnh nhân ở thể này. Đây là thể viêm khớp ảnh hưởng đến các khớp đối xứng 2 bên, như khớp gối trái và phải của bệnh nhân. Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng tương tự như bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng thường có xu hướng nhẹ hơn và ít bị biến dạng khớp hơn. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì thể này có thể gây vô hiệu hóa toàn bộ các khớp.
Viêm khớp không đối xứng
Thể này gây ảnh hưởng khớp ở một bên cơ thể, hầu hết là từ 4 khớp trở xuống. Khoảng 35% trường hợp người bệnh ở thể này.
Viêm các khớp xa ngón chân và tay
Thể này liên quan đến các khớp gần nhất với móng tay, được gọi là khớp xa. Thống kê cho thấy khoảng 10% bệnh nhân viêm khớp vảy nến ở thể này.
Viêm ở cột sống
Thể này liên quan đến cột sống của bệnh nhân, toàn bộ cột sống từ cổ đến thắt lưng dưới có thể bị ảnh hưởng, gây cảm giác đau nhức mỗi khi cử động, triệu chứng tương tự như viêm cột sống dính khớp. Các bộ phận xung quanh như bàn tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân, hông cũng có thể bị ảnh hưởng.
Viêm khớp phá hủy sụn khớp
Đây là thể bệnh viêm khớp vảy nến nghiêm trọng nhất, có thể phá hủy sụn khớp, gây biến dạng các khớp. Có khoảng 5% bệnh nhân mắc bệnh ở thể này.
Những người có nguy cơ bị bệnh
Hầu hết những người viêm khớp vảy nến đã bị vảy nến rồi. Khoảng 15% là chưa có tiền sử bị bệnh về da. Nếu bị vảy nến cộng với bị đau khớp, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa khớp. Có đến 3/10 người bị vảy nến có khả năng bị viêm khớp vảy nến.
Nguyên nhân của bệnh
Chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bệnh có yếu tố gia đình. Khoảng 40% người bị viêm khớp vảy nến có người thân bị vấn đề về khớp hoặc da. Trường hợp nhiễm streptococcus trong viêm họng cũng có thể có vài liên quan đến vảy nến.
Dấu hiệu bệnh
Phổ biến là dấu hiệu ngón tay, chân bị cứng, sưng húp, đau cộng với đau khớp. Cơn bùng phát vảy nến và đau khớp có khi xuất hiện cùng lúc cũng như cùng một vị trí, tuy chúng cũng không hẳn luôn đồng hành như vậy. Các triệu chứng có thể nhận ra:
- Những mảng da đỏ khô có những vảy trắng bạc.
- Móng tay có vết lõm.
- Móng bị bong vọp.
- Mệt mỏi.
- Mắt đỏ và đau.
- Đau lưng và gót chân: Một dạng viêm khớp vảy nến là viêm các khớp cột sống hoặc gần cột sống. Còn được gọi là viêm đốt sống, gây đau lưng và cổ. Một dạng khác là gây đau, nhạy cảm hoặc phù nề gân xương ở gót chân, bàn tay, gối, hông và ngực.
Chẩn đoán bệnh
Bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp sẽ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị. Bác sĩ sẽ quan sát tình trạng sưng phù, đau của khớp và da hoặc sự thay đổi của móng tay. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-Quang, MRI, CT để đánh giá sự tổn thương của khớp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm máu, dịch khớp, da để hỗ trợ chẩn đoán.
Điều trị bệnh
Nếu tình trạng viêm khớp nhẹ, bạn có thể tự mua thuốc ibuprofen hoặc naproxen để giảm đau. Tiêm thuốc corticosteroid vào khớp có thể giảm sưng, nóng, đau. Để giảm các triệu chứng nặng, bạn cần được kê toa thuốc DMARDs (disease-modifying antirheumatic drugs). Thuốc có tác dụng ngăn tiến triển bệnh cũng như giải quyết được tình trạng da. Bên cạnh đó, có thể bác sĩ sẽ dùng thuốc khác để điều trị vảy nến.
Dùng thuốc sinh học
Thuốc sẽ tác động lên một phần của hệ miễn dịch. Thuốc giúp làm giảm tổn thương khớp, giảm các triệu chứng sưng, đau và vảy nến. Khi các thuốc khác không đáp ứng điều trị, có thể bác sĩ sẽ kê toa loại thuốc này.
Giảm đau bằng những cách này
- Thử chườm nóng hoặc lạnh để giảm đau.
- Ngâm trong nước ấm với xà phòng, tắm nước ấm, hoặc dùng túi chườm nóng để giảm đau.
- Dùng túi chườm lạnh lấy khăn bọc lại khi chườm nhằm giúp làm tê các khớp và giảm phù nề.
Tập thể dục thường xuyên
Đau và phù sẽ tăng nếu bạn không vận động. Bơi lội hay đi bộ sẽ tốt cho tim mạch, giúp giảm đau, tăng thể lực cũng như sự linh hoạt. (Hãy tắm ngay khi rời khỏi hồ bơi để tránh chất chlorine làm khô da).
Nếu băn khoăn không biết tập luyện sao cho an toàn, hãy tư vấn với bác sĩ vật lý trị liệu.
Xua tan mệt mỏi
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe đồng thời giúp ngủ ngon giấc. Mặt khác, cũng có thể hỗ trợ bằng thuốc giảm đau.
Sáng dậy trễ một chút, hoặc tranh thủ ngủ trưa một lát. Tập trung làm những việc quan trọng hoặc những điều bạn thích nhất. Nếu được, bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè giúp.
Sống khỏe
Khoảng 1/3 người viêm khớp vảy nến nhẹ không chuyển biến theo thời gian. Những người khác cần được điều trị lâu dài để giảm triệu chứng. Thậm chí viêm khớp vảy nến nặng cũng không phải là hết cách.
Tay golf Phil Mickelson (một phát ngôn viên cho thuốc Enbrel) cho biết, do được chẩn đoán sớm và điều trị tốt đã giúp ông vượt qua đau đớn để tiếp tục chơi golf.